Tiểu dự án vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn (2007-2014)

Tiểu dự án vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn (2007-2014)

Dự án vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 68/TTg-CN ngày 12/01/2006. Dự án được đầu tư xây dựng từ năm 2007 kết thúc vào 30/11/2014, với tổng kinh phí 74,81 triệu USD, trong đó vốn ODA do Ngân hàng Thế giới tài trợ là 63,7 triệu USD, vốn đối ừng 11,11 triệu USD.

Dự án vệ sinh môi trường các TP. Duyên hải - Tiểu dự án thành phố Quy Nhơn

- Địa điểm xây dựng: Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

- Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định

- Chủ đầu tư: Ban QLDA Vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn 

- Tên nhà tài trợ: Ngân hàng Thế giới (World Bank)  

- Thời gian thực hiện dự án: từ năm 2006 đến năm 2014

- Mục tiêu dự án: Nhằm nâng cao vấn đề vệ sinh môi trường tại các thành phố tham gia Dự án một cách bền vững và qua đó nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố.

- Tổng vốn đầu tư:                 74.810.365,48 USD

  • Vốn ODA:              63.699.334,48 USD

            Giai đoạn 1: 12.142.817,65 USD

            Giai đoạn 2:  51.556.516,83 USD

  • Vốn đối ứng:          11.111.031,00 USD

             Giai đoạn 1:      2.238.942,97 USD

             Giai đoạn 2:      8.872.088,03 USD

- Phạm vi của dự án: Kiểm soát thoát nước/ngập úng khu vực Trung tâm thành phố; Thu gom nước thải Khu vực Trung tâm thành phố, ngăn chặn nước thải chảy trực tiếp ra sông, biển; Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình, công suất 14.000 m3/ngày.đêm; Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Bàu Lác, công suất 2.350 m3/ngày.đêm; Xây dựng mới bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh và trạm xử lý nước rỉ rác công suất 200 m3/ngày.đêm; Xây dựng mới, cải tạo khu vệ sinh của 37 trường học được lựa chọn; Xây dựng khu tái định cư 4,2 ha và chương trình truyền thông, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực chủ đầu tư, các sở ngành liên quan trong quá trình thực hiện.

- Kết quả đạt được của Dự án vệ sinh môi trường với Tp. Quy Nhơn:

+ Tình trạng ô nhiễm tại các cửa xả hiện nay đã được cải thiện rõ rệt, phần lớn nước thải khu vực Trung tâm thành phố Quy Nhơn đã được thu gom và đưa về nhà máy xử lý.

+ Về giảm ngập úng: Tình hình ngập úng trước đây đã gây ra hàng loạt các thiệt hại về nhà cửa, tài sản, hàng hóa buôn bán, xe cộ, đường sá và các công trình hạ tầng khác, các thiệt hại do giảm hoạt động kinh tế, đi lại khó khăn và tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến vật chất và tâm lý, thiệt hại về môi trường … Hiện nay, trên phạm vi khu vực trung tâm thành phố, kết quả khảo sát tại các vị trí trước và sau khi thực hiện dự án đã cho thấy, diện tích và số lần ngập tại các vị trí này đã giảm đáng kể, và như vậy mục tiêu của dự án đã được đáp ứng.

+ Toàn bộ rác thải của thành phố hiện nay được đưa về chôn lấp tại Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ, nước rỉ rác từ bãi chôn lấp được thu gom xử lý sơ bộ (chêm vôi để trung hòa độ pH và tạo kết tủa ở các hồ lắng) sau đó bơm về nhà máy xử lý nước thải Bàu Lác để tiếp tục xử lý.

+ Đối với các trường học được dự án đầu tư xây dựng các khu vệ sinh trường học, đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh có được môi trường vệ sinh tốt, đồng thời cũng góp phần nâng cao nhận thức của các em học sinh về việc giữ gìn và bảo vệ môi trường.

+ Nâng cao sức khỏe cộng đồng: Giảm được các chi phí chữa bệnh và mất thu nhập do bệnh. Các số liệu về điều tra y tế tại các địa phương trung tâm thành phố cũng đã cho thấy các loại dịch bệnh do ô nhiễm nguồn nước, môi trường đã giảm dần qua từng năm. Điều này chứng tỏ đã rằng môi trường sống khu vực trung tâm thành phố, khu vực ven biển có nhiều cải thiện, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

+ Về chất lượng môi trường: được cải thiện đáng kể, tạo cảnh quan đô thị như Hồ Bàu Sen, hồ Đống Đa, kênh Phú Hòa. Hàm lượng BOD5 trước dự án đo được từ 50-100 mg/l sau dự án hoàn thành thì BOD5<20mg/l đảm bảo vệ sinh môi trường. Số lượng người được hưởng lợi từ việc giảm thiểu lũ lụt 157.500 người; số học sinh hưởng lợi từ việc cải thiện các công trình vệ sinh 26.471 học sinh. Điều kiện vệ sinh môi trường được nâng cao, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Dự án đã mang lại diện mạo mới cho thành phố: góp phần vào việc thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, tạo ấn tượng tốt cho các nhà đầu tư và khách du lịch, trong 06 tháng đầu năm 2015 lượng khách du lịch đến với thành phố Quy nhơn tăng 21% so với cùng kỳ. Tăng giá trị đất dọc hai bên kênh Phú Hòa, hồ Bàu Sen, hồ Đống Đa… Dự án đã đào tạo nhiều cán bộ ở các Sở, ngành và Ban Quản lý dự án có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện và quản lý các dự án ODA, giúp thành phố thực hiện và quản lý ngày một tốt hơn các dự án ODA trong tương lai.

Có thể bạn thích

Tin mới nhất

Khảo sát ý kiến